Nhập khoảng giá VNĐ : Từ         đến         
MẬT TÔNG (77) TỊNH ĐỘ TÔNG (56) THIỀN TÔNG (40)

“ Lời cầu nguyện của vị Lama già ” - anh 1

Click vào ảnh lớn để zoom

Phí Thỉnh liên hệ

“ Lời cầu nguyện của vị Lama già ”

Tại Golog - Tây Tạng, trong suốt một thời gian dài người ta truyền tai nhau về câu chuyện cười của một vị Lama già, không biết mọi người nghĩ thế nào, nhưng với tôi, đó là một câu chuyện có thật.

Những năm 80 90 của thế kỉ trước, có một vị Lama già rất ít khi ra khỏi nhà, có lần, vị ấy đi xe khách tới Thành Đô, vào đúng cái thời điểm bước xuống xe khách ấy, vị Lama cảm thấy mình đang lạc vào thế giới khác vậy, một thế giới khác hoàn toàn với thế giới mà vị đã sống trong suốt những năm qua.

Vẻ êm đềm, nhẹ nhàng trên thảo nguyên biến đâu mất rồi, đâu đâu cũng là tiếng còi xe inh ỏi, những đoàn người đông đúc, nhiều như những con ruồi xanh bên suối vào mùa thu vậy, ô tô còn nhiều hơn cả những đàn bò trên thảo nguyên nữa, nhìn qua nhìn lại, những cái đầu người di chuyển hối hả giống hệt như sự hoang mang của những chú ruồi bay tán loạn mỗi khi cơn bão chuẩn bị tới.

Vị Lama già bị sốc thực sự, vị nghi ngờ không biết mình đã chết rồi hay sao, đã vào cảnh giới trung ấm rồi sao ? Khi nhìn thấy những người phụ nữ trang điểm đậm lòe loẹt, vị Lama già càng chắc chắn phán đoán của mình là đúng. Đó không phải là những La Sát tàn bạo mang vẻ bên ngoài đẹp đẽ mà trong truyền thuyết hay nhắc tới sao !

Vị Lama già liền nhanh chóng lấy ra bộ Chuông Chày Kim Cang của mình và ngồi phục xuống, bắt đầu niệm tụng Trung Ấm Cứu Độ Cầu Nguyện Văn…

Mỗi một lần câu chuyện này được kể xong, đều là những tràng cười sảng khoái của cả người kể và người nghe, vị Lama già chính là đại diện rõ ràng nhất về cái mà người ta gọi là sự lạc hậu văn minh vật chất giữa vùng Tây Tạng và Đại Lục.

Câu chuyện này, tôi không biết đã nghe bao nhiêu lần. Lúc đầu, có cảm giác rất ghét, nhưng ở Tây Tạng lâu, tôi đã dần hiểu được tại sao vị Lama già lại có phản ứng như vậy.

Có lần tôi cùng một vị Lama trẻ đi vào thành phố để mua đồ sinh hoạt hàng ngày. Buổi tối, chúng tôi ở cùng 1 phòng trong một nhà khách, vừa hay có tivi, tôi bật tivi xem tin tức 1 chút, đến cả năm rồi tôi không xem tivi ấy, vị Lama này không hiểu tiếng Hán, nhưng cũng ngồi cùng với tôi xem cho vui, khi tivi tới tiết mục biểu diễn của nhóm ca sĩ nữ nước Anh hát và nhảy theo kiểu nhạc rock, vị Lama liền hỏi tôi : “Những người phụ nữ đang nhảy, đều là quỷ phải không ?” tôi nói : “ Không, đó là những ca sĩ mà trong mắt nhiều người Trung Quốc họ coi là đẹp nhất đấy ”. “ Không phải chứ, anh lừa tôi, họ chắc chắn là quỷ ” , vị ấy không tin. Tôi phải giảng giải một hồi lâu, vị ấy mới có vẻ tin những gì tôi nói, nhưng nhìn vào mắt vị ấy, tôi biết rõ vẫn còn sự nghi ngờ.

Mùa thu năm ấy, người bạn ở cùng phòng với tôi trong tu viện rời đi, vậy là tôi chỉ còn ở 1 mình, tôi thấy rất cô đơn, một cảm giác cô đơn lạnh lẽo đến lạ, ban ngày chỉ thấy những cánh diều hâu thi thoảng lướt qua, buổi tối thì thi thoảng tiếng sói hú từ hẻm núi vọng lại. Thời gian cứ thế trôi qua, tôi dần quen với cảm giác cô đơn này. Ngồi trên giường nhìn bầu trời xanh qua tấm kính nhỏ, thời gian và không gian giường như hòa làm một, cái tâm mà tôi tốn biết bao thời gian, tìm đủ mọi cách để điều phục, không biết nó đã chạy đâu mất rồi, chỉ còn lại hình ảnh những đám mây trôi trên bầu trời, những chiếc lá vàng bên suối, rất rõ ràng nhưng lại không có dấu tích…

Bất giác, 10 tháng cứ như vậy trôi qua, tôi thực sự không nỡ bước ra khỏi thế giới này, nhưng tôi vẫn phải quay về nơi thành phố nhộn nhịp, đông người qua lại. Tôi phải quay về Thành Đô.
Tối hôm ấy, khi đang nằm trên giường trong phòng khách sạn, một cảm giác rất khó chịu, tai của tôi nó kháng nghị hay sao, nó không quen với những tiếng ồn, tiếng náo nhiệt của đô thị, phải mất một hồi lâu, tôi dần mới quen được.

Hồi tưởng lại cảm giác trước và sau tới Tây Tạng, tôi mới hiểu cảm giác của vị Lama già, người mà bị mọi người gọi là vị Lama già “ nực cười ” , tôi thực sự hiểu cảm giác của vị Lama già ấy.
Lẽ nào những người sống chúng ta đang không sống trong cảnh giới trung ấm sao ? Lẽ nào chúng ta không cần phải thường xuyên cầu nguyện Thượng Sư gia trì để chúng ta thoát khỏi sự mê lầm và bám chấp đối với cảnh giới Trung Ấm sao ?

Vị Lama già đó và những người cười lớn khi nghe chuyện của Ngài, ai mê lầm hơn ai, ai mới đáng cười đây ? Không biết có đáng cười hay không, nếu được, tôi cam tâm tình nguyện làm vị Lama già ấy.

Việt dịch : Phật tử Nguyễn Văn Ngọc, Pháp danh Minh Đức
Hà Nội, 05/01/2020 ( Tạng lịch ngày 10/11/2146, ngày vía Liên Hoa Sinh Thượng Sư )